Gọi 0393888700

7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Đông Nam Á tăng mạnh

Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ hầu hết các thị trường khu vực Đông Nam Á trong 7 tháng đầu năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan, Lào, Campuchia và Singapore tăng mạnh.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ khu vực Đông Nam Á về Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 63,82 nghìn m3, với trị giá 21,78 triệu USD, giảm 13,0% về lượng và giảm 10,2% về trị giá so với tháng 6/2021; giảm 23,1% về lượng, nhưng tăng 25,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ khu vực Đông Nam Á đạt 589,35 nghìn m3 , với trị giá 181,69 triệu USD, tăng 40,6% về lượng và tăng 71,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ hầu hết các thị trường khu vực Đông Nam Á trong 7 tháng đầu năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan, Lào, Campuchia và Singapore tăng mạnh.

Thái Lan là thị trường cung cấp nhiều nhất gỗ nguyên liệu cho Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 33,19 nghìn m3 , với trị giá 8,63 triệu USD, giảm 23,9% về lượng và giảm 23,0% về trị giá so với tháng 6/2021; giảm 32,4% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Thái Lan đạt 357,34 nghìn m3, với trị giá 83,59 triệu USD, tăng 44,0% về lượng và tăng 73,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Thái Lan chủ yếu là ván sợi và ván dăm, chiếm 96% tổng lượng gỗ nhập khẩu từ thị trường này. 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu ván sợi từ Thái Lan tăng 62,5% về lượng và tăng 81,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu ván dăm tăng 7,0% về lượng và tăng 41,0% về trị giá. 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ xẻ từ Thái Lan tăng rất mạnh, đạt 12,59 nghìn m3 , với trị giá 4,34 triệu USD, tăng 190,4% về lượng và tăng 161,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Lào trong tháng 7/2021 đạt 1,16 nghìn m3, với trị giá 7,39 triệu USD, giảm 3,5% về lượng, nhưng tăng 6,1% về trị giá so với tháng 6/2021; tăng 122,3% về lượng và tăng 261,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Lào đạt 87,28 nghìn m3 , với trị giá 52,77 triệu USD, tăng 82,3% về lượng và tăng 102,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Chiếm 84% tổng lượng gỗ nhập khẩu từ Lào trong 7 tháng đầu năm 2021 là gỗ xẻ, đạt 73,16 nghìn m3 , với trị giá 50,07 triệu USD, tăng 99,9% về lượng và tăng 106,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu gỗ tròn đạt 9,32 nghìn m3 , với trị giá 1,79 triệu USD, tăng 56,9% về lượng và tăng 117,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 7/2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Campuchia đạt 2,59 nghìn m3, với trị giá 630 nghìn USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 12,8% về trị giá so với tháng 6/2021; nhưng giảm 42,3% về lượng và giảm 51,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Campuchia đạt 31,34 nghìn m3 , với trị giá 8,16 triệu USD, tăng 141,5% về lượng và tăng 124,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các nước Đông Nam Á (Ảnh minh họa: sản phẩm ván dăm sản xuất tại Công ty CP  Gỗ Châu á)

Chiếm đến 98% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Campuchia trong 7 tháng đầu năm 2021 là gỗ xẻ, đạt 30,80 nghìn m3 , với trị giá 8,07 triệu USD, tăng 149,6% về lượng và tăng 132,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

3 mặt hàng gỗ được nhập khẩu nhiều nhất từ khu vực thị trường Đông Nam Á về Việt Nam là ván sợi, ván dăm và gỗ xẻ. 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu 3 mặt hàng gỗ này từ Đông Nam Á đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu gỗ xẻ tăng mạnh đạt nghìn 155,33 nghìn m3 , với trị giá 78,13 triệu USD, tăng 116,4% về lượng và tăng 105,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trái ngược với các mặt hàng trên, nhập khẩu gỗ tròn trong 7 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh, đạt 17,25 nghìn m3 , với trị giá 3,48 triệu USD, giảm 28,7% về lượng và giảm 18,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.